Tô Hải - Nụ cười sơn cước - Tơ lòng trên phím nhạc kỳ 054
TƠ LÒNG TRÊN PHÍM NHẠC TƠ LÒNG TRÊN PHÍM NHẠC
12.7K subscribers
4,189 views
125

 Published On Apr 16, 2021

Chương trình Tơ lòng trên phím nhạc đã thực hiện rất nhiều chương trình trong suốt thời gian qua. Xin vào link bên dưới để theo dõi toàn bộ những chương trình đã đăng:    • TƠ LÒNG TRÊN PHÍM NHẠC  
Mong bạn sẽ thưởng thức và tiếp tục theo dõi, ủng hộ cho nhóm thực hiện chương trình.
Trân trọng.

Chương Trình Tơ Lòng Trên Phím Nhạc # 054 – TÔ HẢI
1- Nụ cười sơn cước - Trần Thái Hòa

Trong các sáng tác của các nhạc sĩ Việt Nam chúng ta, có 2 ca khúc miêu tả về nàng sơn nữ rất rõ ràng. Và cả 2 ca khúc ấy đều là những tác phẩm nổi tiếng từ khi mới sáng tác cho đến hiện tại. Một trong hai ca khúc ấy là "Nụ cười sơn cước" của nhạc sĩ Tô Hải, còn nhạc phẩm kia là "Sơn nữ ca" của Trần Hoàn.
Tên thật là Tô Đình Hải, nhạc sĩ Tô Hải sinh năm 1927 tại Hà Nội, quê ở Tiền Hải, Thái Bình. Cũng như nhiều thanh niên lúc bấy giờ, Tô Hải mang trong tim bầu nhiệt huyết của người trai thời loạn, hăng hái gia nhập hàng ngũ kháng chiến chống Pháp do Việt Minh lãnh đạo. Sau hiệp định Genève, Tô Hải ở lại miền Bắc, gia nhập đảng Cộng Sản, và được hưởng nhiều ưu đãi từ chế độ này.
Có thể xếp Tô Hải vào danh sách những nhạc sĩ chỉ sáng tác một lần và trở nên nổi tiếng. Bởi vì mặc dù sáng tác khá nhiều về số lượng, trên dưới 1000 bản nhạc thế nhưng nhìn lại những sáng tác của ông, chất lượng hầu như không có. Chính ông đã từng thú nhận rằng : "Hầu hết sáng tác của tôi là do ‘hèn’ nên nội dung chỉ là hát lên hát xuống các khẩu hiệu tuyên truyền.” Và trong tất cả những ca khúc ông đã sáng tác, chỉ có “Nụ cười sơn cước” có thể liệt vào thể loại tình ca. Số còn lại đều là những ca khúc sáng tác theo khuynh hướng mà đảng Cộng Sản đề ra.
Sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, Ông đã nhận thấy sự thật não nề khi vào Sài Gòn. Vì thế, sau thời kỳ gọi là "Đổi mới", ông đã không ngại lên tiếng cho mọi người biết rằng, ông đã... "Phí nửa con tim" để viết hàng trăm bản nhạc tuyên truyền, phục vụ đảng trong thời chiến tranh. Dĩ nhiên các bản nhạc ấy chỉ có tác dụng nhất thời, không thể tồn tại với thời gian.
Kể từ sau 1975, ông bắt đầu công việc dịch thuật, nhờ thông thạo nhiều ngoại ngữ. Tô Hải có một cuốn hồi ký nổi tiếng được xuất bản ở Mỹ, có tên "Hồi ký của một thằng hèn". Cuốn sách này gây ra nhiều tranh cãi, và ngay sau đó đã trở thành một cuốn sách được tìm kiếm đọc nhiều qua Internet. Tập hồi ký này được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Virginia, Hoa Kỳ xuất bản năm 2009 dưới bản quyền của chính tác giả.
Dù đã khá lớn tuổi, nhưng Tô Hải rất chịu học hỏi. Từ năm 2007, ông sử dụng máy tính "Laptop" để viết blog mỗi ngày. Ông cũng thường xuyên lên mạng để viết thư qua lại với nhiều người. Lối hành văn của Tô Hải khá dí dỏm và tự nhiên nên được nhiều người ưa thích.
Trở lại với ca khúc "Nụ cười sơn cước", Tô Hải cho biết:
"Thời tiểu học, tôi học hát và tham gia ban đồng ca Saint Joseph, từng đoạt giải thưởng âm nhạc Chim Sơn Ca của hướng đạo sinh toàn Ðông Dương. Ðang học dở tú tài 2 thì tôi nhập ngũ ngày 19.8.1945. Tôi viết ca khúc đầu tay "Trở về đô thành" (1946), rồi "Nụ cười sơn cước" (1947), đều do bản năng và mê nhạc mà thành. Tôi luôn tự cho mình là một người lính làm nhạc cho mình, cho đồng đội mình hát.
Nào ngờ… ‘Nụ cười sơn cước’ lại được hoan nghênh đến thế, và Ngọc Bích, Canh Thân, Hoàng Thi Thơ... khi trút áo ‘lính cụ Hồ’, thôi làm ‘đồng chí’, đã mang nó vô thành (dân gian gọi là dinh tê) phổ biến khắp nơi. Ðể cho nó được chấp nhận bởi các cơ quan kiểm duyệt, họ xếp tớ vào loại tác giả tiền chiến! Và từ đó ‘Nụ cười sơn cước’, một trong những tình ca thời kháng chiến của bọn tớ sống nhờ cái mác nhạc tiền chiến đến ngày nay!".
Riêng về hoàn cảnh ra đời của "Nụ cười sơn cước" Tô Hải đã tâm sự:
"Kim Bôi là một dãy núi thuộc tỉnh Hòa Bình. Dạo đó đơn vị tôi ở nhờ một làng dân tộc Mường. Tôi được ở trong một gia đình có cô con gái rất đẹp, nàng tên là Phẩm. Cũng chỉ là để ý thầm vậy thôi! Khi đơn vị tôi chuyển quân, với tình cảm lưu luyến hết sức chân thành, tôi đã chuyển những tình cảm này thành ca khúc, ca ngợi chung những bông hoa rừng mà tôi đã từng gặp".
Năm 1973 hay 1974 gì đó, tôi có lên Hòa Bình tìm lại người xưa, dù biết rằng cô ấy đã có chồng con. Sau này dãy núi Kim Bôi đã biến thành vùng công nghiệp khai thác suối nước nóng, đường sá mở rộng, người miền xuôi lên ở nhiều. Cô Phẩm ngày xưa giờ đã là một thiếu phụ luống tuổi, ăn mặc theo kiểu người Kinh, và... chẳng biết tôi là ai cả! Nhắc lại chỉ thêm buồn. Biết vậy, cứ hãy sống với kỷ niệm xưa".

Nàng ơi, tôi đã rút tơ lòng,
dệt mấy cung yêu thương
gởi lòng trong trắng,
của mấy bông hoa rừng
đời đời không tàn với khúc nhạc lòng tôi...

Tô Hải đã qua đời tại Sài Gòn năm 2018, hưởng thọ 91 tuổi. Thế nhưng "Nụ cười sơn cước" cũng như những bông hoa rừng năm xưa đã mãi mãi không bao giờ tàn, chẳng những chỉ riêng trong lòng Tô Hải, nhưng còn ở trong lòng tất cả mọi người yêu âm nhạc.

show more

Share/Embed