So Sánh 7 Thanh Tịnh & 16 Tuệ Minh Sát | Buổi 2 | HT Giới Đức | 14/09/2024 | Chùa HKST
Ngọa Tùng Am Ngọa Tùng Am
17.1K subscribers
467 views
17

 Published On Streamed live on Sep 14, 2024

II- 16 TUỆ MINH SÁT

Tu tập 16 Tuệ minh sát, hành giả không nên quán thân, thọ, tâm, pháp theo cách hành trì Tứ niệm xứ quen thuộc, cũng không quán ngũ uẩn mà chỉ quán Danh và Sắc thôi. Dĩ nhiên, người tu Phật nào cũng biết Danh là gì và Sắc là gì nhưng khi hiện quán, chúng ta thường bị hình ảnh và ngôn ngữ khái niệm của sự thật tục đế (paññatti-sacca) chi phối nên dễ gì thấy được Danh và Sắc của sự thật chân đế (paramattha-sacca)? Như vậy, là phải từ từ, phải bỏ cách hành trì cũ, chỉ sử dụng Tuệ minh sát để phân biệt cho thật rõ, đâu là Danh, đâu là Sắc đúng như thực tánh pháp.

1- Tuệ Phân Biệt Danh, Sắc (Nāmarūpaparicchedañāṇa):

Tuệ đầu tiên này tưởng là dễ - chỉ phân biệt đâu là Danh, đâu là Sắc nơi tấm thân một trượng này cùng với tứ danh uẩn. Tấm thân một trượng này là Sắc, tứ danh uẩn là Danh - nhưng khó trực nhận để gọi tên đúng như thực tánh của Sắc và Danh. Muốn vậy, ta có hai bước thực tập:

- Khi đi, đừng nói tôi đi mà chỉ ghi nhận một Sắc đang chuyển động, một Sắc đang dở, bước, đạp. Cánh tay đưa lên, bàn tay xòe ra đều ghi nhận là Sắc. Hơi thở là Sắc. Sắc ăn cơm, Sắc uống nước, Sắc đi cầu, Sắc đi dạo... Toàn bộ 7 đối tượng của Danh (sắc thanh hương vị địa hỏa phong) đều là Sắc.

- Mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm... là Danh. Một ý nghĩ khởi sanh là Danh. Một cảm tho. Một tâm tham đều là Danh...
Minh họa cho hai bước thực tập trên tôi nhắc lại một chuyện vui vào thời tôi đang còn tu học ở chùa Phật Bảo của Cố Ht.. Giới Nghiêm. Sau một khóa thiền minh sát ngài dạy về Sắc và Danh này đây, chùa vui như hội. Ai đi cầu lâu thế? Chẳng có ai, có ta nào cả, một Sắc thôi! Trật, trật rồi, chỉ có Danh hỏi, Danh đáp! Cũng trật luôn, phải là Sắc hỏi, Sắc đáp – ngôn ngữ cũng là Sắc đó nhá! Và những câu hỏi đáp tương tự như vậy suốt cả mấy ngày rôm rả nói cười. Câu chuyện về Sắc và Danh này đã lộ ra thực tại vô ngã, chẳng có ai, có ta nào cả mà chỉ có sự diễn tiến, vận hành của Sắc và Danh.

Khi thực hành, chúng ta phải sử dụng Tuệ (chánh kiến) ấy - thường trực, luôn khi. Ví dụ, khi đi: Ý muốn đi (Danh) và động tác di chuyển (Sắc), hoặc động tác di chuyển (Sắc) và tâm biết (Danh) động tác di chuyển ấy. Cũng từ thực hành như vậy, chúng ta áp dụng trong mọi sinh hoạt hằng ngày, nó sẽ không còn như máy móc vô hồn nữa mà do trực nhận như thị - khi Danh khởi, Tuệ thấy liền, Sắc khởi, Tuệ thấy liền. Có Danh khởi trước Sắc (tai nghe tiếng động) có Sắc khởi trước Danh (tiếng động vang vào tai). Thầy (Danh) gõ con chữ (Sắc); chữ xẩy (Sắc). Thầy (Danh) dẫn chư sư (Sắc) đi trì bình khất thực. Sư thị giả gõ cửa (Sắc), thầy biết (Danh) là có khách. Sư A (Danh) lái xe (Sắc). Máy trục trặc (Sắc), sư A (Danh) chăm chú sửa...
Cũng để minh họa cho những thực tập trên, tôi kể tiếp chuyện khác: Trên bàn ăn của chư sư đang tu tập Tuệ minh sát, tôi thấy không gian trai đường yên lặng một cách lạ kỳ, một tiếng động nhỏ của muỗng, chén, bát cũng không có! Và còn nữa, những cánh tay lên xuống, những đôi đũa gắp thức ăn cũng diễn ra chậm rãi, rất chậm! Có gi lạ đâu! Sư ấy muốn ăn rau muống thì trong đầu phải lầm thầm “muốn là Danh, rau muống là Sắc” rồi mới lấy (Danh) đũa gắp rau muống (Sắc). Sư kia thích (Danh) đậu cô-ve (Sắc) nên cũng lẩm nhẩm trong đầu tương tự như thế. Không yên lặng và không chậm rãi sao được?

Danh và Sắc chúng gắn khít với nhau rất mật thiết, không thể rời nhau nhưng lại hoàn toàn riêng biệt, Danh ra Danh, Sắc ra Sắc. Nhờ thấy rõ mỗi Danh pháp, mỗi Sắc pháp như vậy, hành giả còn phân biệt được tướng trạng riêng biệt của mỗi Danh, mỗi Sắc trong tương quan liên hệ Danh và Sắc. Chúng riêng biệt nhưng tương hỗ, tương liên, không thể rời nhau.
Tuệ nầy trong sáng, vô nhiễm luôn nhìn ngắm thực tại chân đế, ly thoát thế giới khái niệm, tục thể, thế tình (sammuti-sacca); mỗi Danh, mỗi Sắc trong hiện tại đang sanh khởi, hiện tại đang trôi chảy, đang là... thực tánh pháp.

Kết quả vi diệu của nó là tà kiến về tự ngã được đoạn trừ.

2- Tuệ Thấy Rõ Duyên Sinh (Paccayapariggahañāṇa):

Nói thì đơn giản như vậy nhưng hành giả Tuệ minh sát phải thực tập lâu ngày, cam go, miển mật lắm mới bước qua được Tuệ thứ nhất.

Sau khi đã phân biệt được rõ ràng đâu Danh, đâu Sắc rồi - hành giả tiếp tục minh sát để thấy rõ Danh pháp sanh như thế nào? Sắc pháp sanh như thế nào? Do vậy, Tuệ thấy rõ duyên sinh còn được gọi là Sanh Trí (udayañāṇa) vì nó thấy rõ Danh pháp sanh, Sắc pháp sanh. Tức là Tuệ thấy rõ nguyên nhân phát sanh của mỗi Danh mỗi Sắc.

Sắc pháp khởi trước. Ví dụ khi mắt thấy Sắc. Điều kiện là phải có nhãn quan tốt, có ánh sáng đầy đủ khi ấy mắt mới có thể thấy Sắc được. Như vậy, nhãn thức (Danh pháp) khởi lên để thấy Sắc (Sắc pháp) là do duyên nhãn căn và sắc trần. Như vậy, có một Sắc pháp khởi trước, Danh pháp (nhãn thức) mới thấy. Một con kiến cắn nơi chân (Sắc), một chỗ đau, nhức nơi thân, (Sắc) khởi trước Danh khởi sau ghi nhận. Sắc pháp khởi trước, cái biết (Danh) khởi sau. Thanh, hương, vị, xúc đều tương tự.
...

show more

Share/Embed